Khánh Hòa triển khai quyết liệt 2 tháng cao điểm chống IUU (09-07-2024)

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Để góp phần gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU của Ủy ban Châu Âu (EC), từ nay đến hết tháng 8, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Khánh Hòa triển khai quyết liệt 2 tháng cao điểm chống IUU
Ảnh minh họa

6 năm qua, kể từ khi EC có cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt; thông tin tuyên truyền về chống khai thác IUU được thực hiện liên tục, hiệu quả; công tác quản lý, rà soát, cập nhật tàu cá đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác được thực hiện nghiêm túc. Theo đó, toàn bộ 3.177 tàu cá của tỉnh Khánh Hòa đã được đăng ký; 3.116/3.177 tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản; 648/650 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 639/650 tàu có chiều dài từ 15m trở lên được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá; 100% tàu cá ra vào cảng đều được kiểm tra, kiểm soát; việc giám sát sản lượng hải sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, xử phạt các tàu cá vi phạm được thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên,  công tác chống khai thác IUU của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được tập trung giải quyết. Cụ thể, trong công tác quản lý, giám sát tàu cá, toàn tỉnh đang có 61 tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, 11 tàu cá chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá, 281 tàu cá hết hạn đăng kiểm trên phần mềm Vnfishbase. Trong hoạt động của tàu cá, toàn tỉnh Khánh Hòa có 123 tàu cá thường xuyên chuyển ngư trường, hoạt động ngoài tỉnh; 145 tàu cá ngừng dịch vụ kết nối thiết bị giám sát hành trình, việc giám sát hoạt động của tàu cá trên biển gặp khó khăn do tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất kết nối vì lỗi thiết bị, đường truyền. 

Trong khi đó, việc triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (phần mềm eCDT) là yêu cầu bắt buộc cũng đang gặp một số khó khăn do phần mềm mới đưa vào ứng dụng, các tính năng còn chưa ổn định; ngư dân thao tác chưa thành thục; không thể thao tác ghi nhật ký khai thác trên phần mềm trong quá trình tàu khai thác đi trên biển do máy không có mạng internet và sóng yếu. Đối với doanh nghiệp, vẫn còn doanh nghiệp chưa có tên trên Hệ thống phần mềm eCDT nên các doanh nghiệp chưa đăng nhập vào hệ thống để thực hiện được; công tác triển khai phần mềm eCDT chưa đồng bộ giữa các cảng, các tỉnh khiến cho các ban quản lý cảng thực hiện thao tác xuất, nhập cảng cho những tàu cá còn lúng túng. Bên cạnh đó, công tác cấp giấy chứng nhận được thực hiện theo thủ tục hành chính của tỉnh là bắt buộc, trong khi việc triển khai cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trên Hệ thống phần mềm eCDT được các doanh nghiệp thực hiện hoàn toàn trên ứng dụng website nên việc nộp, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác phải thực hiện lại thao tác đến 2 lần trên cùng 1 bộ hồ sơ, làm tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp…

Tháng cao điểm chống khai thác IUU

Dự kiến tháng 9 hoặc tháng 10-2024, Đoàn Thanh tra EC sẽ đến Việt Nam thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 về khắc phục "Thẻ vàng" IUU, có khả năng rất cao đoàn đến kiểm tra tại Khánh Hòa. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo IUU tỉnh mới đây, đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương ven biển trong  Khánh Hòa triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU trong 2 tháng cao điểm (tháng 7 và tháng 8) để giữ vững những kết quả đã đạt được, đảm bảo không phát sinh các hành vi vi phạm khai thác hải sản IUU. Qua đó, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU trong đợt Đoàn Thanh tra EC đến kiểm tra lần thứ 5.   

Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 8, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển khẩn trương tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá "3 không" thực hiện đăng ký ngay theo quy định; nắm rõ vị trí và giám sát chặt chẽ đối với các tàu cá chưa lắp đặt, tạm ngưng kết nối thiết bị giám sát hành trình, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đồng thời, khẩn trương thông báo cho 22 chủ tàu cá hoạt động ngoài tỉnh đã ngừng dịch vụ kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá quay về địa phương để theo dõi, giám sát vị trí. Cùng với đó, các địa phương cần rà soát, báo cáo cụ thể cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống chưa đủ điều kiện công bố mở cảng theo quy định để Chi cục Thủy sản hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên phần mềm eCDT.

Ban Chỉ đạo IUU tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số sở, ngành trong đợt cao điểm từ nay đến cuối tháng 8. Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xác minh, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; kiên quyết không giải quyết thủ tục xuất bến cho bất kỳ tàu cá nào không đủ điều kiện; thực hiện xác nhận 100% tàu cá xuất nhập bến qua phần mềm eCDT theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (gồm: Chi cục Thủy sản, Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá) tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5.

Ngọc Thúy (Báo Khánh Hòa điện tử)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác